Friday, 10/05/2024|
Chào mừng bạn đến với cổng thông tin điện tử Trường THCS Thị Trấn Văn Giang- Huyện Văn Giang- Tỉnh Hưng Yên
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Phối hợp giữa nhà trường và gia đình bàn giải pháp giúp các em học sinh yếu, kém cuối cấp tiến bộ

Để giúp học sinh yếu, kém cuối cấp tiến bộ, hoàn thành chương trình lớp 9, tự tin thi vào lớp 10 năm học 2023-2024. Chiều ngày 09 tháng 3 năm 2023 trường THCS Thị trấn văn Giang tổ chức họp PHHS các em có lực học yếu, kém, chậm tiến bộ, tìm nguyên nhân, giải pháp giúp các em tiến bộ trong thời gian tới.

Buổi họp có sự góp mặt của hơn 30 phụ huynh khối lớp 9 cùng các thầy cô BGH, GVCN và GVBM dạy lớp 9 của nhà trường. Tại buổi họp, đồng chí Vũ Văn Thanh hiệu trưởng nhà trường đã nêu thực trạng, chỉ ra nguyên nhân của học sinh chậm tiến bộ, có lực học yếu, kém trong thời gian qua. Có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến việc học sinh học yếu, kém, chậm tiến bộ, có thể kể đến là:

 Nguyên nhân chủ quan từ học sinh

  • Học sinh lười học: Đầu tiên, lười học, mải chơi chính là nguyên nhân dẫn đến tình trạng học sa sút, yếu kém, kết quả học tập thấp. Các em không dành nhiều thời gian cho việc học tập ở nhà, trên lớp thì không chú ý, không ghi bài, không làm bài tập, khiến con bị hổng kiến thức lớn. Tình trạng này kéo dài càng khiến cho các em lười, ngại học, nhắc đến là tìm lý do để trốn tránh. 
  • Không có phương pháp học: Tình trạng học vẹt không có phương pháp cũng dẫn đến việc học hành yếu kém. Các em chỉ nghe lý thuyết, chép bài nhưng không hiểu bài, không áp dụng được vào làm bài tập.
  • Không có mục đích, động cơ học: Điều này gây tình trạng chán nản, không thích học, từ đó không dành ưu tiên cho việc học. 
  • Không biết tự học: Chính vì không thích, chán học nên không có niềm say mê tự học, tự tìm tòi khám phá, học một cách chống đối, học cho người khác mà không vì bản thân.

Nguyên nhân từ giáo viên

  • Phương pháp dạy chưa phù hợp: Nhiều thầy cô dạy giỏi nhưng áp dụng phương pháp không phù hợp hay linh hoạt với từng em học sinh sẽ dẫn đến tình trạng có em thì thích học thầy cô này nhưng có em thì không. 
  • Chưa quan tâm hết được đến các đối tượng học sinh: Đặc biệt là học sinh đặc biệt, cần có sự kiên nhẫn và quan tâm hơn từ phía thầy cô, giúp các em vượt qua những rào cản đến với việc học trước khi giúp các em tập trung vào việc tiếp thu kiến thức.

Nguyên nhân từ phụ huynh

  • Không quan tâm đến việc học của con: Nhiều gia đình vì công việc mà không có thời gian dành cho con, phó mặc cho thầy cô và nhà trường.
  • Quá nuông chiều con cái: Con muốn nghỉ học, đi chơi, du lịch, ... cũng cho con nghỉ để ảnh hưởng đến việc học.
  • Hoàn cảnh gia đình đặc biệt: Gia đình có hoàn cảnh đặc biệt như bố mẹ không hòa thuận, hay cãi nhau, bố mẹ ly hôn.
 

Đồng chí Vũ Văn Thanh nêu thực trạng và chỉ ra một số nguyên nhân dẫn đến học sinh học yếu, kém

Từ những nguyên nhân trên, BGH, GVCN, GVBM và PHHS cùng đề xuất giải pháp khắc phục tình trạng học sinh học yếu kém.

Theo những nguyên nhân trên thì từng đối tượng đều cần có ý thức khắc phục và gắn kết với nhau để đem lại kết quả tốt nhất cho các em.

Về phía học sinh, các em cần tự xác định được mục đích, động cơ học tập là cho bản thân để tự mình cố gắng vươn lên, dành nhiều thời gian cho việc học, tự học, tự tìm tòi khám phá kiến thức, áp dụng những phương pháp học khác nhau để tìm ra phương pháp hiệu quả, tránh sự tác động của người hay hoàn cảnh vào việc học. Phát huy hiệu quả vai trò của học nhóm, giúp nhau cùng tiến bộ.

Về phía giáo viên cần chủ động quan tâm đến từng em, đặc biệt là các học sinh đang ở trong tình trạng sa sút, yếu kém để giúp các em tiến bộ. Giáo viên cũng cần tạo hứng thú, động lực học cho học sinh, giúp các em yêu thích việc học môn của mình. 

Thầy cô cũng cần gần gũi, chăm lo, động viên học sinh trong quá trình nỗ lực vươn lên. Đồng thời bù lấp phần kiến thức bị hổng cho các em để có thể theo kịp tốc độ của các bạn trong lớp. Sau một thời gian, thầy cô cần kiểm tra đánh giá học sinh theo lộ trình để xem các em thay đổi như thế nào và tiếp tục đổi mới giải pháp.  

Về phía phụ huynh, không phó mặc việc học hành của con cho nhà trường. Phụ huynh cần có sự quan tâm đúng mức đến con cái, đặc biệt giai đoạn cuối cấp. Ngoài ra, cần có sự kết nối giữa gia đình và nhà trường, trao đổi thường xuyên về tình hình của các em để giúp các em ngày càng tiến bộ.

BGH, giáo viên, PHHS bàn giải pháp giúp các em học sinh tiến bộ

Buổi họp nhận được nhiều ý kiến đóng góp của PHHS và các thầy cô. PHHS cam kết quan tâm, tạo điều kiện tốt nhất cho con học tập. Với sự tâm huyết, trách nhiệm của các thầy cô, sự cố gắng nỗ lực của các em học sinh, hứa hẹn tỉ lệ tốt nghiệp lớp 9 và đỗ vào lớp 10 THPT năm học 2023-2024 của nhà trường sẽ đạt kết quả cao.

 


Tổng số điểm của bài viết là: 23 trong 6 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Tin Video
Thống kê truy cập
Hôm nay : 214
Hôm qua : 344
Tháng 05 : 2.978
Tháng trước : 11.419
Năm 2024 : 48.766
Năm trước : 133.486
Tổng số : 4.364.478