Sunday, 28/04/2024|
Chào mừng bạn đến với cổng thông tin điện tử Trường THCS Thị Trấn Văn Giang- Huyện Văn Giang- Tỉnh Hưng Yên
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

BUỔI  HỌC NGOẠI KHOÁ ĐÁNG NHỚ

    Thực hiện kế hoạch giáo dục năm học 2023-2024, việc tăng cường đổi mới giáo dục, hướng vào các hoạt động trải nghiệm, gắn kiến thức sách vở với thực tế để  phát triển phẩm chất năng lực người học là điều hết sức sức cần thiết. Vào ngày 20 tháng 1 năm 2024, trường THCS Thị trấn Văn Giang đã tổ chức chuyến đi trải nghiệm cho thầy cô và hơn 600 em học sinh tại đền Cổ Loa huyện Đông Anh bản Rõm tại huyện Sóc Sơn- Hà Nội.

        Hoạt động trải nghiệm là một trong những hoạt động nằm trong chương trình giáo dục nhằm giúp học sinh hình thành và phát triển năng lực thích ứng với cuộc sống, năng lực thiết kế và tổ chức hoạt động, năng lực định hướng nghề nghiệp thông qua các chủ đề hoạt động gắn với những nội dung cụ thể về bản thân, quê hương, đất nước, con người.

 Khoảng 9 h thầy trò và các bậc phụ huynh tập trung ở đền thờ An Dương Vương để dâng hương tưởng nhớ vua An Dương Vương, người có công lao xây dựng lên nhà nước Âu Lạc. Qua lời của cô hướng dẫn viên giới thiệu, thuyết minh về khu di tích thành Cổ Loa này, các em học sinh hiểu thêm về khu di tích Thành Cổ Loa. Đây là nơi diễn ra câu chuyện dựng nước, giữ nước của vua Thục Phán An Dương Vương và câu chuyện tình yêu bi thảm của công chúa Mị Châu và Phò mã người Trung Quốc là Trọng Thủy. Không gian của khu di tích thành Cổ Loa cũng cổ kính, trang nghiêm, mang màu sắc dân gian như trong những câu chuyện cổ, những mái nhà ngói đỏ, những cây đa, cây đề lớn, có lẽ chúng cũng đã sống qua rất nhiều năm rồi, là nhân chứng cho những sự kiện lịch sử. Trung tâm của di tích thành Cổ Loa chính là đền thờ An Dương Vương, đây là điện thờ chính nên rất rộng lớn và trang nghiêm, dẫn vào đền thờ phải đi qua một khoảng sân rộng lớn, hai bên sân có trồng rất nhiều cây cổ thụ. Ngôi đền có mái cong hình đầu rồng vô cùng trang nghiêm, trong điện được trưng bày những câu đối lớn, chính giữa của điện thờ là một bức tượng An Dương Vương uy nghi trong bộ hoàng bào, ngồi từ trên cao nhìn xuống, cảm xúc chung của tất cả thầy trò khi vào điện thờ An Dương Vương chính là sự tôn kính, tự hào. Hai bên điện thờ là những bức tượng của những vị quan có công với dân, với nước, những người hiền thần có công giúp vua An Dương Vương dựng nước. Bên cạnh đền thờ An Dương Vương là một am nhỏ thờ công chúa Mị Châu, công chúa Mị Châu là con gái của vua An Dương Vương, vì ngây thơ, cả tin mà Mị Châu có một kết thúc thật bi thảm. Bức tượng công chúa Mị Châu trong am thờ là một bức tượng không đầu, nó làm cho các em nhớ lại sự việc công chúa Mị Châu bị vua cha trừng phạt khi nghe Rùa vàng kết tội, nhìn hình ảnh bức tượng không đầu khiến cho các em học sinh vô cùng xót xa cho người công chúa này.

          Chuyến tham quan di tích thành Cổ Loa là một chuyến đi thực sự bổ ích và lí thú, các em học sinh biết nhiều hơn về những câu chuyện lịch sử, được tận mắt chứng kiến những nơi diễn ra câu chuyện lịch sử ấy, thông qua chuyến đi các em học sinh cũng thêm hiểu hơn về những bài học trên lớp, là cơ hội để các em mở mang sự hiểu biết.

           Điểm dừng chân tiếp theo của thầy trò nhà trường là Bản Rõm . Nơi đây nằm ở địa phận xã Quang Tiến, huyện Sóc Sơn, thành phố Hà Nội, cách trung tâm thành phố khoảng 1h chạy xe. Bản Rõm mang đặc trưng của một thung lũng giữa những rừng thông xanh bạt ngàn. Đến với Bản Rõm cả thầy và trò như đến với Đà Lạt của miền Bắc với thông xanh ngát, không khí trong lành và lúc nào cũng hơi lành lạnh dịu mát. Khu sinh thái Bản Rõm nằm trong quần thể du lịch sinh thái đền Sóc, đưa vào hoạt động từ đầu năm 2015. Khu sinh thái Bản Rõm có tổng diện tích 6 ha với những rừng thông rộng lớn và các khu vui chơi như: khu rừng cổ tích, vườn Thượng Uyển, vườn rau, vườn thuốc, trang trại chăn nuôi, nhà nông dân, bãi cát vui chơi, khu cắm trại, khu tổ chức hoạt động ngoài trời và nhà hàng.

          Ở đây, các em được tham gia 8 trạm trải nghiệm sinh tồn là : Dựng trại, tìm nước uống, nguỵ trang, leo núi, băng bó vết thương, nhóm lửa, vượt bãi mìn, săn bắn. Ở đây, các em học sinh còn được trải nghiệm hai loại hình trang trại giáo dục đặc trưng là trồng trọt và chăn nuôi. Khu chăn nuôi với các con vật quen thuộc, như gà, trâu, thỏ, dê núi… Khu trồng trọt với các vườn rau củ quả, như cà chua, bắp cải, rau hành… Các em không chỉ được ngắm nhìn, mà còn được trải nghiệm nhiều công việc như: cho động vật ăn, thu hoạch các loại quả… Nhưng có lẽ, điều hấp dẫn nhất với các bạn học sinh là các trò chơi lội bể bắt cá, hay những trò chơi dân gian độc đáo, như đi cầu tre, và nhảy múa ca hát, thi nấu ăn, kéo co, chơi nhảy dây… Các em khối 6 rất hào hứng khi tham gia tiết mục lội bể bắt cá.

      Sau những phút thư giãn tại lều đã được sắp xếp tại rừng thông bạt ngàn, Buổi trưa, các bạn nạp năng lượng bằng cách nghỉ ngơi và thưởng thức bữa trưa ngon miệng tại nhà sàn cùng các thầy cô và các bậc phụ huynh. Đó là một bữa trưa thật đáng nhớ với rất nhiều món ăn phù hợp với lứa tuổi học trò, đầy ắp tiếng nói cười.

      Khoảng gần 14h chiều các em tập trung tại sân khấu trung tâm để tham gia tham gia Team building. Đây là phần chơi vui nhộn nhất  khi các em thể hiện sự đoàn kết nhất trí trong các tập thể lớp: nào đua ngựa, kéo co.... Không khí vui vẻ lan tỏa khắp mọi nơi, tiếng hò reo rộn rã. Dù tham gia nhiều hoạt động nhưng không ai thấy mệt mỏi, gương mặt bạn nào cũng khoái chí vô cùng. Cuối chương trình, các bạn còn được nhận phần thưởng giành cho đội chiến thắng, lớp nào lớp nấy cùng nhau liên hoan ăn mừng chiến thắng.

Mỗi chuyến đi là một ngày để học, để mở rộng thêm vốn kiến thức đã có của mình, đến với khu di tích Đền Cổ Loa và khu du lịch sinh thái bản Rõm đã cho các em học sinh thêm những trải nghiệm tuyệt vời. Buổi tham quan thực sự trở thành một hoạt động học tập, trải nghiệm đầy ý nghĩa. Không chỉ được tìm hiểu về thiên nhiên, môi trường, các em học sinh trường THCS Thị trấn Văn Giang còn có thêm những kiến thức lịch sử bổ ích, được trải nghiệm các kỹ năng làm việc nhóm, kĩ năng đi rừng..... Sự thông minh nhanh trí trong các tình huống còn giúp các em thêm gắn kết, tăng tinh thần đồng đội, đoàn kết và sống vui vẻ, mạnh khỏe.

          Chuyến đi đã diễn ra an toàn và thật nhiều cảm xúc. Sau chuyến đi  các em sẽ có thêm động lực để học tốt hơn, tin tưởng vào chính mình để vượt qua những thách thức phía trước trong học tập và cuộc sống, nâng cao hơn nữa lòng tự hào về truyền thống yêu nước anh hùng của cha ông ta. Các em biết rung cảm trước cái đẹp của thiên nhiên và tình người, có quan niệm sống và ứng xử nhân văn; bồi dưỡng tình yêu đối với quê hương, đất nước, ý thức về cội nguồn và bản sắc của dân tộc để góp phần giữ gìn, phát triển các giá trị tốt đẹp của con người Việt Nam.

Sau đây là một số hình ảnh:

                                          Thầy trò nhà trường làm lễ dâng hương tại khu di tích Cổ Loa

                                                  Lần đầu tiên các bạn học sinh được khám phá di tích thành Cổ Loa

                                          Teams 9A nổi bật giữa khung cảnh rừng thông

                            Nguỵ trang để tránh thú dữ- Một trải nghiệm thú vị

                                                     Những "em bé thổ dân" siêu dễ thương

                                                            Team building cực vui nhộn

                                      Kỹ năng cứu thương trong rừng- Điều mà em chưa bao giờ làm thử

                                                               Check in rừng thông

                                        Khám phá thiên nhiên trong lành 

                                                    Trò chơi được yêu thích  nhất


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Tin Video
Thống kê truy cập
Hôm nay : 6
Hôm qua : 266
Tháng 04 : 10.650
Tháng trước : 13.823
Năm 2024 : 45.019
Năm trước : 133.486
Tổng số : 4.360.731